Lắng nghe chân thành

Lắng nghe chân thành

Lắng nghe và thấu hiểu là chìa khóa mở cửa trái tim con người và cũng là bí quyết đem lại bình an và hạnh phúc cho mỗi người. Thiếu chân thành lắng nghe không những không sinh hiệu quả mà còn mang đến cho nhau những tổn thương đáng tiếc.

Khi bạn lắng nghe chân thành, bạn thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đối với người đang nói. Điều này bao gồm việc tập trung hoàn toàn vào họ, ngừng suy nghĩ về câu trả lời của mình và không gián đoạn hoặc ngắt lời khi họ đang nói. Bằng cách thể hiện sự lắng nghe và bằng cách lắng nghe tỉ mỉ, sử dụng ngôn ngữ cơ thể như gật đầu, nhấn nháng và mỉm cười, bạn cho người khác biết rằng bạn quan tâm đến họ và đang lắng nghe.

Lắng nghe chân thành cũng bao gồm việc sử dụng câu hỏi để làm sáng tỏ thông điệp của người khác. Bằng cách hỏi câu hỏi mở cửa hoặc câu hỏi để làm sáng tỏ, bạn có thể hiểu rõ hơn về ý của họ và giúp họ cảm thấy họ đang được nghe và được tôn trọng.

Một phần quan trọng khác của lắng nghe chân thành là không đánh giá hoặc phê phán người khác khi họ đang nói. Thay vào đó, bạn nên thể hiện sự tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe mọi quan điểm, cho dù bạn đồng ý hay không.

Lắng nghe chân thành không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn và tạo sự tin tưởng, mà còn tạo điều kiện cho việc giải quyết mâu thuẫn và hiểu nhau một cách hiệu quả hơn trong giao tiếp. Đó là một kỹ năng quan trọng mà mọi người nên phát triển và thực hành để có một cuộc sống và mối quan hệ tốt hơn.

Vậy còn đối với Thiên Chúa của chúng ta thì sao Ngài đã nói gì về việc lắng nghe. Trong Kinh Thánh có đoạn tin mừng nói về việc lắng nghe Tin Mừng theo thánh Gio-an. (Ga 10,22-30)

Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.  Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.  Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”  Đức Giê-su đáp : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.  Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.  Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi.  Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.  Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.  Tôi và Chúa Cha là một.”

Bài Tin Mừng này cho chúng ta thấy một thực trạng: cùng một lời nói phát ra nhưng có người nghe đúng, có người nghe sai, có người nghe để thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nhưng cũng có người nghe để xét đoán, bắt bẻ, kết án nên thông tin bị sai lệch, thiếu chính xác. Thật vậy, những người Do thái hỏi Đức Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”.

Sở dĩ những người Do thái đã nghe Đức Giêsu nói, đã chứng kiến bao việc Ngài làm nhưng vẫn không biết Ngài bởi vì họ lắng nghe nhưng thiếu chân thành. Họ nghe mà cố tình không hiểu bởi họ cố chấp và kiêu căng. Vì thế, khi Chúa Giêsu được hỏi, Ngài đã khẳng khái trả lời cho họ biết nguyên nhân: “vì họ không thuộc về đàn chiên của Ngài”. Bởi vì “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

Lời Chúa trên cũng mời gọi chúng ta nhìn lại cách chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Nếu mọi con chiên đều không lọt ra khỏi mắt chủ chiên thì mỗi người chúng ta cũng đều có một chỗ đứng rất đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa. Như đàn chiên luôn biết lắng nghe tiếng chủ chăn dắt, hiểu được lệnh của chủ và đi theo sự hướng dẫn của chủ sẽ được chủ dẫn đến đồng cỏ xanh tươi, gặp được suối nước mát trong lành và được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mỗi chúng ta là chiên của Chúa, được Chúa yêu thương và hiến mạng sống vì chúng ta nếu biết nghe tiếng Chúa cách chân thành và để cho người dẫn dắt qua Lời Chúa, qua giáo lý, qua giáo huấn của Hội thánh và tiếng nói lương tâm chúng ta sẽ được sống đời đời như lời Chúa hứa: “Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi”. Một khi đã trung thành lắng nghe và đi theo mục tử Giêsu thì dù sự dữ có mạnh đến đâu, quyền lực của ma quỉ có lớn cỡ nào chúng ta vẫn lướt thắng nhờ uy quyển của Chủ Chăn Nhân Lành.

Trong giao tiếp với bạn bè hay những người khác nếu chúng ta cũng biết lắng nghe nhau bằng trái tim chân thành, lắng nghe bằng đôi tai của Chúa sẽ có sự đồng cảm, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và khi ấy lắng nghe sẽ trở thành chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn mỗi người, mở cửa hạnh phúc và bình an cho mỗi người, mỗi  gia đình, mỗi cộng đoàn và toàn Giáo hội.

Trong sứ điệp Truyền Thông năm 2022, Đức Thánh Cha nhận định: “Các Kitô hữu đã quên rằng sứ vụ lắng nghe đã được Đấng lắng nghe vĩ đại uỷ thác cho họ và họ phải chia sẻ công việc ấy của Người. Chúng ta cần lắng nghe bằng đôi tai của Chúa để có thể nói lời của Chúa.”[4] Thế nên nhà thần học Tin lành Dietrich Bonhoeffer mới nhắc nhở chúng ta rằng: công việc phục vụ đầu tiên ta phải dành cho người khác trong tình hiệp thông là lắng nghe họ. Ai không biết lắng nghe anh chị em mình thì chẳng bao lâu nữa cũng sẽ không còn khả năng lắng nghe Thiên Chúa.[5]Nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động mục vụ chính là việc “tông đồ lắng nghe” – lắng nghe trước khi nói, như Thánh tông đồ Giacôbê khuyên nhủ: “Mọi người hãy mau nghe, và hãy chậm nói” (1,19). Tự nguyện dành một chút thời gian của riêng mình để lắng nghe mọi người là hành vi bác ái đầu tiên”.

Để có thể lắng nghe cách chân thành, chúng ta cần có tâm hồn đủ tĩnh để “lắng nghe bản thân mình, lắng nghe những nhu cầu chân thật nhất của mình, những nhu cầu được khắc ghi trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe điều khiến chúng ta trở nên độc đáo khi được tạo dựng: mong muốn được ở trong mối tương giao với người khác và với một Đấng khác”.

Lạy Chúa, lắng nghe bằng con tim chân thành là điều kiện để đem lại bình an và hạnh phúc cho cá nhân và cộng đoàn. Xin cho chúng con có một tâm hồn khiêm tốn, rộng mở để sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của anh chị em, không ấp ủ thành kiến, không kết luận vội vàng nhưng để thấu hiểu và cảm thông hầu tất cả mọi người đều cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành nơi gia đình, cộng đoàn và Giáo hội.

A men.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline