Tết Trung Thu Công Giáo

Tết Trung Thu

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Tết Trung Thu (chữ Nôm節中秋) theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đã trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng.

Tết Trung thu có thể bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam. Các truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là chị Hằng Nga và chú Cuội.


Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.

Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng.

Đồ chơi trẻ em trong Tết trung thu là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, kỳ lân, sư tử, rồng, tôm, cá … Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, rước đèn, múa sư tử, trống, thanh la.

Vào dịp Trung Thu, người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà…
Mỗi dịp trung thu về, không một thiếu nhi nào không biết bài Rước Đèn Tháng Tám của Nhạc sĩ Đức Quỳnh / tên thật là Vân Thanh.

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu”.

Hay bài Thằng Cuội của Nhạc sĩ Lê Thương “Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…..Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ…”.

Mỗi Trung thu về, tôi lại nhớ đến tuổi thơ của mình thời đầu thập niên 1970, khi đang theo học tại Trường tiểu học Tỉnh lỵ Phước Long (nay là huyện Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước). Trung thu năm đó, toàn trường tổ chức rước đèn diễu hành khắp các con đường của tỉnh lỵ. Mỗi lớp làm một cái đèn lớn. Lớp tôi làm một cái đèn hình chiếc thuyền được nhiều bạn công kênh đi khắp nơi, chung quanh là những bạn trẻ với muôn vàn đèn sao khác nhau. Khi trăng đã lên cao thì trao giải cho những chiếc đèn đẹp nhất, với những quà bánh mà tuổi thơ ưa thích. Ấn tượng đêm rước đèn ngày ấy vẫn theo tôi mỗi độ trung thu về.

Với các em thiếu nhi Công giáo, trung thu không chỉ là dịp rước đèn vui chơi đêm rằm tháng tám mà còn là dịp nhắc nhở chúng ta nhớ đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa và hướng đến sự sống con người.

Lời Chúa trong sách Huấn ca:

42,15 Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức Chúa,
những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại.

Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người.

16 Mặt trời toả sáng nhìn xuống muôn loài,
vinh quang Đức Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo,

43,1 Lộng lẫy chốn cao vời, một khung trời trong vắt.
Nhìn ngắm cả bầu trời: cảnh tượng xán lạn thay!

2 Vừa ló dạng lúc hừng đông, mặt trời liền công bố:
“Công trình của Đấng Tối Cao kỳ diệu dường nào! ”
Cả vầng trăng cũng luôn đúng hẹn,
làm dấu hiệu muôn đời chỉ rõ thời gian.

7 Trăng đánh dấu các thời kỳ đại lễ,
có khi khuyết, có lúc lại tròn.

8 Người ta lấy chữ nguyệt mà đặt tên cho tháng,
theo chu kỳ tuyệt diệu, trăng cứ mãi tròn thêm,
làm đèn hiệu cho đạo binh trên chốn cao vời.
Khắp bầu trời, vầng trăng toả sáng.

9 Các vì sao lấp lánh là vẻ đẹp của bầu trời,
là đồ trang sức lộng lẫy
trên chốn cao vời của Đức Chúa.” (Hc 42,15-16; 43,1-2.6-9)

Và trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.” (Mc 10,14-16).

Ý cầu nguyện

Các bậc phục huynh thân mến,

Hôm nay, ngày Tết Trung Thu của các em, ai trong chúng ta cũng không muốn trời mưa hay bầu trời nhiều mây vẩn đục che mất ánh trăng, làm cho Tết Trung Thu bớt vui. Trái lại, muốn cho trời tạnh ráo, trời trong thanh để con em chúng ta có thể ngắm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, ngắm thằng Cuội, lễ và rước đèn xong vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi vài miếng bánh ngọt, xen lẫn tiếng cười vui là điều ai cũng mong muốn.

Nhưng tôi nghĩ rằng, bầu trời trong thanh không một gợn mây, là dấu chỉ không những các em mà cả chúng ta nữa phải có một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, thật thà, dễ thương. Vì thế mà ý nguyện nhập lễ hôm này không chỉ xin cho các em, mà còn cho cả chúng ta nữa : “xin cho các em biết luôn giữ tâm hồn đơn sơ trong trắng và xin cho chúng con ( tức là chúng ta những bậc làm cha mẹ và người lớn) được nên giống các em để mai sau được cùng về quê trời chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa”. (Lời nguyện nhập lễ)

Thật vậy, trẻ thơ luôn đơn sơ, thật thà, không ăn gian nói dối như thằng Cuội… Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã bị những vẩn đục là người lớn như cây đa thằng Cuội che sáng vầng trăng, gây gương mù cho, làm cho các em trở nên ganh tị, ích kỷ, kéo quân, không biết nhìn nhường các bạn…bị nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều này Chúa Giêsu lên án rất gắt gao :

Ai nêu gương hại trẻ con

Đáng đeo cối đá thả lòng biển khơi.

Nếu chúng ta làm gương mù gương xấu cho con em, là chúng ta cướp đi tuổi thơ của các em. Chúa Giêsu dạy chúng ta :

Này Ta bảo thật các ngươi

Nếu không trở lại giống người tiểu nhi

Nước Trời đừng nói làm chi

Các người không thể có hy vọng vào.

Tết Trung Thu, cùng với Ban hành giáo, giáo lý viên, hết mọi người cầu chúc tất cả các em mạnh khỏe khôn ngoan, bước vào năm học mới với nhiều niềm vui và ơn thánh Chúa, để các em trở nên những trò giỏi con ngoan, thiếu nhi ngoan hiền của Chúa Giêsu, càng thêm thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ơn nghĩa Chúa, cũng như sự mến chuộng của mọi người.

Chúc các bậc phụ huynh ấm êm hạnh phúc, trở nên cha mẹ mẫu mực cho đàn con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline